Ngày 27-3, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương thông tin, trong quý I-2023, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn là khoảng 13.000 lao động, trong khi nhu cầu tìm việc của người lao động tăng nhiều hơn so với cùng thời điểm những năm trước, chủ yếu vẫn là tìm kiếm công việc lao động phổ thông.

Hơn 36.000 lao động ở Bình Dương bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương - Ảnh 1.

Người lao động đi xin việc tại một công ty trong KCN Đại Đăng TP Thủ Dầu Một, Bình Dương

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, cho biết nếu như trước đây, thời điểm đầu năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá ồ ạt thì thị trường tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến Quý I/2023 vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số là những doanh nghiệp nhỏ và vừa và số lượng không nhiều, từ vài người đến vài chục người và những doanh nghiệp lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà còn cắt giảm.

Người lao động không có tay nghề rất khó xin được việc làm sau tết (Ảnh: Phạm Diện).

Người lao động tìm đến một công ty để xin việc nhưng công ty này dán thông báo đã ngưng tuyển dụng (Ảnh: Phạm Diện).


"Những khó khăn này đã được dự báo trước và đã thể hiện rõ từ Quý III và IV-2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại"- ông Tuyên cho hay.

Mặt khác, còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất của doanh nghiệp gặp phải khó khăn. Tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột chính trị kéo dài, lạm phát ở các nền kinh tế, lãi suất vẫn còn cao trong khi nhu cầu tiêu dùng, sức mua còn yếu, tiếp tục ảnh hưởng trên hầu hết các ngành, lĩnh vực của tỉnh. 

Trong đó, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất là da giày, dệt may, gỗ... Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng.

Hơn 36.000 lao động ở Bình Dương bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương - Ảnh 2.
Hơn 36.000 lao động ở Bình Dương bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương - Ảnh 3.

Doanh nghiệp chỉ tuyển dụng số lượng ít, nhưng nhu cầu tìm việc của người lao động lại rất lớn

Theo ông Tuyên, người lao động tìm việc đầu năm đa số không có tay nghề, độ tuổi trên 35 và đây thuộc nhóm lao động yếu thế trong môi trường cạnh tranh về việc làm như hiện nay. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong Quý II-2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 - 80%, tập trung ở các lĩnh vực may quần áo, balo túi xách, gỗ nội thất, cơ khí, ngũ kim...

Kinh tế khó khăn đẩy người lao động vào cảnh thất nghiệp.

Một số giải pháp Sở LĐ-TB-XH đang triển khai để giúp người lao động tìm kiếm việc làm như gắn kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm nâng cao các kỹ năng tay nghề cho người lao động kịp thời nắm bắt công nghệ sản xuất mới tại doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, đầu năm 2023, đa phần các doanh nghiệp kết nối tuyển dụng là những lao động có tay nghề, một số doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông cũng rất ít.

Những năm trước, sau tết người lao động tìm đến trung tâm tìm việc hầu hết là nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, năm nay thì người lao động đến trung tâm tìm việc làm chủ yếu là lao động phổ thông.

Ông Phương cho biết thêm, để tìm được nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động, ngay trong đầu tháng 3/2023, TTDVVL tỉnh mở thêm các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc làm, cập nhật chính sách cho các doanh nghiệp, mở thêm các phiên giao dịch việc làm định kỳ, thực hiện chương trình tư vấn giới thiệu việc làm cho các đối tượng về việc làm trong và ngoài nước. 

Ngoài ra, Trung tâm cũng có website trực tuyến, sàn giao dịch trực tuyến, chat trực tuyến, phỏng vấn trực tiếp..., thông qua các kênh trên, người lao động không cần mất nhiều thời gian nhưng vẫn tiếp cận được với thông tin tuyển dụng. Từ đó, người lao động sẽ biết được những yêu cầu của nhà tuyển dụng để tìm được việc làm phù hợp mà không cần đến với trung tâm.